Wednesday, May 14, 2014

Tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng


Lập dàn ý cho đề văn nghị luận sau đây:


Tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng là một truyền thống đã hình thành rất sớm và bền vững trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hãy chứng minh điều đó qua những truyền thuyết đã học.

Muốn làm được dàn ý cho đề bài này, HS cần đọc lại các truyền thuyết đã học ở lớp 6 và phân tích những biểu hiện cụ thể của tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng trong các truyền thuyết ấy.
- Mở bài: Dân tộc Việt Nam được hình thành từ xa xưa và có một lịch sử dựng nước, giữ nước lâu dài. Tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng được hình thành rất sớm và trở thành một truyền thống bền vững, một sức mạnh to lớn của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy được phản ánh sâu sắc và sinh động trong các truyền thuyết – một thể loai văn học do nhân dân sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với lịch sử.

- Thân bài: Những biểu hiện của tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng trong các truyền thuyết.

+ Tự hào về nguồn gốc cao quí của dân tộc, ca ngợi các vị tổ sinh thành ra dân tộc (Con Rồng cháu Tiên).
+ Khẳng định cộng đồng các cư dân trên đất nước Việt Nam, dù ở miền núi hay miền đồng bằng, miền biển đều là anh em, cùng một giống nòi (chi tiết Âu Cơ sinh bọc trứng, nở trăm con, nửa theo mẹ lên núi,  nửa theo cha xuống biển).
+ Đề cao, ca ngợi những người anh hùng tiêu biển cho cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Lê Lợi. Cùng với những người anh hùng còn có sự đồng lòng góp sức của đông đảo nhân dân (nhân dân góp gạo nuôi cậu bé làng Gióng lớn lên, quân sĩ trong cuộc khởi nghĩa luôn sát cánh cùng chủ tướng Lê Lợi).
+ Ca ngợi những người anh hùng văn hóa, sáng tạo các tác phẩm vật chất và tinh thần, đặc biệt là sản phẩm của nền văn minh lúa nước (truyện Bánh trưng, bánh giầy).

- Kết bài: Tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng luôn được gìn giữ và bồi đắp trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc ta, suốt mấy nghìn năm cho tới ngày nay. Truyền thống ấy rất cần được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

(Nguồn: sách GV)

0 comments:

Post a Comment